Giỏ hàng

Ý nghĩa của việc trai tăng đặt bát

08/03/2024
Tin tức


1. Khất thực, Sớt bát cúng dường theo Đạo Phật và truyền thống tôn giáo

     Chữ “Khất” là ăn xin - còn “sĩ” là nhằm nói tới những con người có phẩm hạnh cao quý. “Khất sĩ ” là người “ăn xin” cái cao quý, lòng từ bi của chúng sinh, đánh thức tình thương vốn có ở mỗi con người. Khất thực là một trong 13 pháp tu khổ hạnh đầu đà cao quý của nhà Phật, không chỉ để nuôi thân mạng, có sức khỏe tu tập, tiến tu đạo nghiệp mà còn với mong nguyện cao thượng là gieo duyên, giúp cho nhân dân, Phật tử có cơ hội được gieo trồng hạt giống thiện lành vào ngôi Tăng Bảo. 

2. Khất thực làm phép tu căn bản của Đạo Phật

     Theo lịch sử Phật giáo, khoảng 2.600 năm về trước, sau khi Đức Phật thành đạo thì Ngài không trở về thành Ca Tỳ La Vệ mà đi giáo hóa khắp nơi, độ cho năm anh em ông Kiều Trần Như và khi các ông vua nổi tiếng vùng Ngũ Hà quy y với Phật rồi, Ngài mới quyết định đưa đại chúng về thăm lại quê nhà cùng hoàng thân quốc thích. Đức Phật đã xuất hiện cùng Tăng đoàn hơn ngàn vị sư quấn y vàng rực rỡ với phong thái oai nghiêm và siêu thoát, tay ôm bình bát, lặng lẽ khoan thai trong từng bước chân an lạc thản nhiên tiến vào kinh thành Ca Tỳ La Vệ. Tăng đoàn đến từng nhà cúi đầu nghiêm cẩn. Cử chỉ khiêm nhường khiến vua Tịnh Phạn vô cùng sửng sốt và ngỡ ngàng vì thấy con trai mình đã thành Phật còn đi ăn xin.

Vì sao Đức Phật đi khất thực?

     Đức Phật giải thích cho vua cha rằng người xuất gia đâu cũng là nhà, còn chư Tăng khất thực, tuy là kẻ ăn xin đích thực nhưng khác với người ăn xin là không phải tìm cái ăn để sống vất vưởng qua ngày, mà ngoài việc nuôi thân để sống và tu tập, còn một ý nghĩa sâu xa - đó là sự gieo duyên với chúng sinh trong “bát cơm ngàn nhà”, bởi cảm nhận tình người qua việc bố thí (cho đi) của chúng sinh, là tiếp cận giá trị hạnh phúc giữa cuộc đời này rồi.

     Thời Đức Phật tại thế, mỗi sáng hằng ngày, Đức Phật cùng Tăng đoàn đầu trần, chân không, ôm bình bát đến những nơi có dân chúng. Các Ngài đến từng nhà để xin thức ăn với tâm bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo, ngon dở để nhân dân, Phật tử cúng dường chư Tăng. Theo Đạo Phật, việc khất thực không chỉ mang lại lợi ích cho người khất sĩ mà còn đem lại lợi ích cho người sớt bát cúng dường:



    Đối với người khất sĩ: Tâm trí được rảnh rang, ít phiền nào; không bận rộn thân và tâm; đoạn trừ tâm cống cao, ngã mạn, tu được tâm khiêm hạ; rèn luyện đức nhẫn nại và tâm chịu đựng; đoạn trừ được lòng tham; thấy cảnh khổ để hun đúc chí tu hành cho người xuất gia; tạo cơ duyên để giáo hoá chúng sinh.

    Đối với người sớt bát cúng dường: Được kết duyên với Tam Bảo; được bố thí để gieo trồng ruộng phước, đoạn trừ lòng tham; biết đủ để được hạnh phúc an vui; khởi lên ý tưởng giải thoát, dứt trừ phiền não.

     Cúng dường vật thực đến chư tỳ kheo, chư tỳ kheo tăng: hạnh của người xuất gia là hạnh khất thực, thời Đức Phật, suốt đời Đức Phật sống bằng hạnh khất thực, hàng ngày Đức Phật ôm bát đi vào trong làng đi khất thực, xin ăn, các đệ tử của Phật cũng thế, bây giờ thời Phật giáo Nguyên Thủy (Nam Tông) cũng vậy, ở các nước quốc giáo nhất là nước Miến Điện, Thái Lan, Campuchia… các sư vẫn ôm bát ra đường, vẫn còn duy trì hạnh khất thực như thời Đức Phật.

Đại lễ đặt bát cúng dường 3000 chư Tăng tại Học viện Phật giáo Nam tông  Khmer

     Hàng cư sĩ tại gia là những hàng Phật tử dâng cúng vật thực, cúng giàng đến chư tỳ kheo, chư tỳ kheo tăng. Việc dâng cúng vật thực sẽ có công đức: dâng cúng vật thực rồi cầu nguyện cái gì đó thì nó sẽ thành tựu, ví dụ: cầu sức khỏe, sống lâu, sắc đẹp, an vui, trong lúc cúng dường, nhất là ngay khi cúng dường, khi chư tăng đụng tay vào mà mình phát nguyện ngay sẽ rất là lợi lạc. Nhất là sự cúng dường như thế mà phát tâm xin được đạt Niết bàn trong ngày vị lai, thì sự cúng dường đó sẽ trở thành bố thí ba la mật. Bất cứ việc gì mà mình làm hướng tới việc thành tựu Niết bàn thì nó mới trở thành ba la mật, nếu chỉ cầu xin những thức khác như là sống lâu, sắc đẹp, an vui…để kiếp sau trở thành người có sắc đẹp, hay là được làm chư thiên thì nó mới chỉ thành tựu nhỏ. Cầu cho con chứng ngộ Niết bàn trong ngày vị lai bởi những việc thiện này… khi nào mình tích lũy đầy đủ 10 ba la mật thì mới thành tựu đạo quả, mà ba la mật đầu tiên chính là bố thí ba la mật. Người nào chưa chứng đắc trong kiếp này chắc chắn sẽ vẫn phải đi luân hồi. Có các ba la mật khác như là trì giới… giữ giới để phát nguyện chứng đắc Niết bàn trong này vị lai… kham nhẫn trong khi ngồi thiền cũng vậy, cần phát nguyện con xin kham nhẫn để chứng đắc Niết bàn trong ngày vị lai… tinh tấn bằng cách tăng dần thời lượng ngồi thiền…Xả tâm ba la mật thì không bị dính mắc vào cuộc đời này.

     Đặt bát cúng dường có thể hồi hướng công đức cho mình, cho người thân đã quá vãng… đặt bát cúng dường mà những người chung quanh nói “Sadhu = lành thay”, cũng được hưởng phước, như thế là mình chia phước cho những người chung quanh, những người chung quanh cũng được hưởng phước như người tín chủ chính và có khi còn hơn vì phước tuỳ hỉ rất quan trọng, khi người khác làm phước mà mình tùy hỉ theo mình sẽ hưởng được loại phước báu quí hóa đó. Khi mình đang làm pháp thí cúng dường mà có người thân đã quá vãng đi theo mình mà mình không nhìn thấy họ, họ tùy hỉ theo thì họ sẽ được phước theo…(đây có thể là lý do chính theo Phật giáo nguyên thủy nhà có người mới mất họ lập tức đi lên chùa trai tăng đặt bát liền để hồi hướng phước cho người mới quá vãng, để cầu phước cho người thân mới mất)

    Mình cúng dường thì nên mở rộng lòng hồi hướng phước đó cho khắp tất cả thì tốt hơn, nên hồi hướng với tâm rộng mở, hồi hướng tới tất cả thân bằng quyến thuộc của mình đã quá vãng và với tất cả các chúng sinh và nếu ai tùy hỉ theo thì họ đều được nhiều phần lợi ích.

3. Cách đặt bát:

     Các món ăn nấu sẵn đặt vào bát cho chư tăng khi chư tăng đi ngang qua, lúc đó mình phải đứng thành kính và bỏ chân khỏi dép. Thỉnh thoảng mới có cơ hội làm phước thì có thể nhân một sự kiện như thế mình có thể cúng dường đồ ăn khô, những thứ có thể ăn những bữa khác, hoặc mang về nấu ăn thì chư tăng có thể hoan hỉ thọ nhận rồi đưa cho người hộ tăng đi theo mang về chùa, cất để sử dụng dần và họ sẽ thay mặt bạn dâng chư tăng hàng ngày những vật thực đó. Có những người dâng cúng tịnh tài (tiền sạch) để xây chùa thì họ cũng nhân ngày đặt bát mà dâng luôn một thể. Có 3 cách đặt bát ngày nay thường được sử dụng…


4. Hồi hướng sau khi đặt bát cúng dường

   “Yaṃ kiñci kusala-kammaṃ kattabbaṃ kiriyaṃ mama kāyena vācā-manasā Tidase sugataṃ kataṃ. Ye sattā saññino atthi ye ca sattā asaññino, kataṃ-puñña-phalaṃ mayhaṃ sabbe bhāgī bhavantu te, ye taṃ kataṃ su-viditaṃ dinnaṃ puñña-phalaṃ mayā, ye ca tattha na jānanti, devā gantvā nivedayum: Sabbe lokamhi ye sattā jīvant’āhāra-hetukā manuññaṃ bhojanaṃ sabbe labhantu mama cetasā' ti.”

Dịch nghĩa:

    Bất cứ thiện nghiệp nào là hành động đáng được làm với thân, khẩu, ý của tôi đều tác thành đến cõi trời Đao Lợi. Có chúng sanh hữu tưởng nào, có chúng sanh vô tưởng nào, tất cả các vị là người chia phần phước quả mà tôi đã làm. Chúng sanh nào đã khéo hay biết những công Đức do tôi hồi hướng (xin hãy tùy hỷ); chúng sanh ở nơi  nào không hay biết, xin Chư  Thiên sau khi đi, hãy báo truyền cho họ rõ “Tất cả chúng sanh nào sống trên thế gian do nhân vật thực, xin hãy thoả thích nhận phần phước vật thực do tôi hồi hướng với tâm hoan hỷ.”


Hồi hướng phước đến chư thiên

Chư Thiên ngự trên hư không,

Địa cầu thượng ngự rõ thông mọi điều.

Long Vương thần lực có nhiều,

Đồng xin hoan hỷ phước đều chúng tôi.

Hộ trì Phật giáo tăng bồi,

Các bậc Thầy tổ an vui lâu dài.

Quyến thuộc tránh khỏi nạn tai,

Chúng sanh được hưởng phước dài bền lâu.

Chúng con vui thú đạo mầu,

Tu hành tin tấn ngõ hầu siêu sanh. (1 lạy)

 

Hồi hướng đến những người đã quá vãng

Con xin hồi hướng quả này,

Thấu đến quyến thuộc nơi đây cho tường.

Cùng là thân thích tha phương ,

Hoặc đã quá vãng hoặc thường hiện nay.

Chúng sanh ba giới bốn loài,

Vô tưởng hữu tưởng chẳng này đâu đâu.

Nghe lời thành thật thỉnh cầu ,

Xin mau tựu hội lãnh thâu quả này.

Bằng ai xa cách chưa hay,

Cùng xin thiên chúng mách ngay với cùng.

Thảy đều thọ lãnh hưởng chung,

Dứt rồi tội lỗi thoát vòng nạn tai.

Nguyện cầu tăng chúng đức tài,

Đạt thành thánh quả hoằng khai đạo lành.

Nguyện cho phật pháp thịnh hành,

Đời đời tươi nhuận phước lành thế gian.



Kệ hồi hướng

Phước căn con đã tạo thành,

Do thân khẩu ý tu hành gieo nên.

Đều là phước báu vững bền,

Có thể tiếp chúng độ lên thiên đàng.

Cung trời Đao Lợi thọ nhàn,

Chúng sanh hữu tưởng nhân gian ta bà.

Chư Thiên Phạm Thiên cùng là,

Bậc trời vô tưởng được mà hưởng an.

Phước con hồi hướng dâng ban,

Chúng sanh hay biết hoàn toàn lãnh thâu.

Bằng ai chưa rõ lời cầu,

Xin cùng Thiên chúng đến hầu mách ngay.

Có người làm phước được rày,

Lại đem hồi hướng hiện nay khắp cùng.

Chúng sanh hoan hỷ lãnh chung,

Hưởng được phước quí ung dung thanh nhàn.

Chúng sanh thế giới các hàng,

Bởi nhờ thọ thực sanh an mạng trường.

Xin thâu phước báu cúng dường,

Hóa thành thực phẩm mùi hương thỏa lòng.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)


     Do sự phước báu, mà chúng con đã trong sạch làm đây, xin hồi hướng đến thân bằng quyến thuộc đã quá vãng, cầu mong cho các vị ấy hằng được an vui.

     Do sự phước báu, mà chúng con đã trong sạch làm đây, xin hồi hướng đến thân bằng quyến thuộc còn tại tiền, cầu mong cho các vị ấy hằng được an vui.

     Do sự phước báu mà chúng con đã trong sạch làm đây, hãy là món duyên lành, để dứt khỏi những điều ô nhiễm, ngủ ngầm nơi tâm trong ngày vị lai.


0.0           0 đánh giá
0% | 0
0% | 0
0% | 0
0% | 0
0% | 0
Ý nghĩa của việc trai tăng đặt bát

Cám ơn bạn đã gửi đánh giá cho chúng tôi! Đánh giá của bạn sẻ giúp chúng tôi cải thiện chất lượng dịch vụ hơn nữa.

Gửi ảnh thực tế

Chỉ chấp nhận JPEG, JPG, PNG. Dung lượng không quá 2Mb mỗi hình

ĐÁNH GIÁ SẢN PHẨM

  • Lọc theo:
  • Tất cả
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
Chia sẻ

Bài viết liên quan